Skip to main content

Chủ nghĩa toàn trị bằng công nghệ của Trung Quốc đã lan ra toàn cầu

Hoa Kỳ cần tạo giải pháp đối trọng

Published in: Foreign Affairs
Chinese paramilitary police stand guard near the portrait of Chinese leader Mao Zedong near Tiananmen Square in Beijing on Saturday, January 9, 2021.  © 2021 AP Photo/Mark Schiefelbein

Hầu như tuần nào báo chí quốc tế cũng có tin bài về việc chính quyền Trung Quốc lợi dụng công nghệ một cách đáng lo ngại để do thám công dân của chính nước mình cũng như của các quốc gia khác. Hồi cuối năm ngoái, tạp chí Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại) có bài viết về tình trạng các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc bắt tay với các cơ quan tình báo của quốc gia này. Tờ Guardian gợi ý trong một bài viết hồi tháng Mười hai rằng một hãng điện thoại thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã do thám những người sử dụng ở Mỹ.

Bị theo dõi là một thực tế cuộc sống đối với người dân Trung Quốc, và tình trạng đó đang lan tràn ngày càng rộng hơn sang người dân của các quốc gia đã tiếp nhận công nghệ giám sát của Trung Quốc, từ Ecuador tới Kyrgyzstan. Điều đáng lo ngại hơn là hệ thống quản lý xã hội kiểu này, vốn được xây dựng trên nền tảng công nghệ Trung Quốc, mang theo nó một hệ giá trị đang nâng đỡ chính quyền Trung Quốc - một dạng chủ nghĩa toàn trị thế kỷ hai mươi mốt, là kết quả của cuộc hôn phối giữa kiểm soát xã hội và tính hiệu quả.

Hoa Kỳ, nhân danh an ninh quốc gia và nhân quyền, đã áp dụng nhiều đòn trừng phạt với các tập đoàn kỹ nghệ Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ và các công ty công nghệ Mỹ cũng có thành tích thất thường về chính các lý tưởng họ tuyên bố đang tôn vinh. Để ngăn ngừa đà phát triển chủ nghĩa toàn trị bằng công nghệ của Trung Quốc, Hoa Kỳ phải thay đổi hướng tiếp cận và bắt đầu làm gương để lãnh đạo: tự thân phải cải tổ các phương cách giám sát của chính mình, bảo vệ quyền riêng tư và an toàn của công dân nước mình, và phối hợp với quốc gia đồng minh đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu nhằm bảo vệ quyền con người buộc các hãng công nghệ phải áp dụng theo.
 

Đe dọa và kiểm soát

Các cơ quan công an nội địa Trung Quốc thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ về người dân nhằm giám sát các hoạt động của họ và xác định những người gây rối. Hệ thống theo dõi của quốc gia này được tăng cường đến mức nghẹt thở ở Tân Cương, nơi nhà cầm quyền dùng các ứng dụng di động, bộ lưu trữ dữ kiện sinh học, trí tuệ nhân tạo và tập dữ liệu lớn, bên cạnh các biện pháp khác, để kiểm soát 13 triệu người Hồi giáo gốc Turk.

Các chương trình theo dõi quy mô lớn ở Tân Cương là ví dụ rõ nhất và gắt gao nhất về chính sách giám sát của Trung Quốc, nhưng đó chỉ là một đầu của quang phổ. Nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng công nghệ để kiểm soát dân chúng trên toàn quốc theo các cách tế nhị hơn nhưng không kém phần thẳng tay. Ngân hàng trung ương đang đưa ra đồng tiền số hóa, tạo điều kiện cho chính quyền Bắc Kinh theo dõi – và kiểm soát – các giao dịch tài chính của người dân. Trung Quốc đang xây dựng cái gọi là các đô thị an toàn, kết hợp dữ liệu từ các hệ thống theo dõi gắt gao để tiên liệu và ngăn ngừa mọi thứ, từ hỏa hoạn và thiên tai, đến bất đồng chính kiến. Chính quyền Trung Quốc tin rằng sự giám sát chặt chẽ này, cùng với các biện pháp can thiệp hành chính, như từ chối cung cấp các dịch vụ cho những người ở trong sổ đen, sẽ thúc đẩy người dân về hướng “hành xử tích cực,” như tuân thủ các chính sách nhà nước chặt chẽ hơn và có các thói quen lành mạnh như tập thể dục.

Tuy nhiên, tham vọng công nghệ của Bắc Kinh không chỉ nhằm dọa nạt trực tiếp người dân. Chính quyền Trung Quốc cũng hy vọng gắn kết mạng lưới theo dõi thiên la địa võng của mình với dự án tư tưởng rộng lớn hơn của quốc gia này, là sự kết hợp giữa chủ nghĩa toàn trị với tính hữu hiệu thực tế trong việc đáp ứng nhu cầu của dân chúng đông đảo trên khắp đất nước. Hệ thống giám sát khắp mọi nơi cho phép chính quyền Bắc Kinh kiểm soát bộ máy quan chức khổng lồ, vốn đầy rẫy tệ nạn tham nhũng và lạm quyền ở cấp địa phương. “Núi thì cao, hoàng đế thì xa” là câu cửa miệng bao đời nay của quan chức và người dân khi thực hiện các chiếu chỉ của chính quyền trung ương. Nhưng tương quan đó đang đổi thay. Năm 2019, chính quyền Trung Quốc buộc cán bộ các cấp phải tải ứng dụng “Học (chủ tịch) Tập, Hưng Quốc.” Ứng dụng này bắt người sử dụng học Tư tưởng Tập Cận Bình, trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và thi đua về trình độ hiểu biết các chính sách nhà nước. Chiến dịch xóa nghèo mang nặng dấu ấn cá nhân của Chủ tịch Tập không chỉ giao cho cán bộ nhiệm vụ thu thập thông tin cá nhân chi tiết của những người dân nghèo – bao gồm các thông tin về thu nhập, tình trạng khuyết tật, số tài khoản ngân hàng và lý do dẫn tới tình trạng nghèo khó – mà còn thu thập thông tin định vị toàn cầu GPS của các cán bộ để đảm bảo rằng họ đang cần mẫn thực thi phận sự của mình.

Chính quyền Trung Quốc hy vọng rằng công nghệ sẽ giúp tạo nền tảng vững chắc cho hình thức quản lý nhà nước tân tiến đến lạnh người của mình – một phương thức quản lý vừa đáp ứng được nhu cầu vật chất của dân chúng vừa tạo ra một bộ máy quan chức trung thành, mẫn cán dù phải bỏ qua các trung gian khó chịu như hệ thống bầu cử có tính cạnh tranh thực sự, một nền báo chí tự do và một hệ thống tư pháp độc lập.
 

Chủ nghĩa toàn trị bằng công nghệ trên đà phát triển

Hệ thống quản lý bằng công nghệ đang phát triển của Trung Quốc vừa có hiệu quả vừa hợp túi tiền. Mạng 5G của hãng Huawei đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà nước phương Tây, và hệ thống dẫn đường Baidu của Bắc Kinh hiện đã vượt GPS, phiên bản của Mỹ về độ phổ biến ở trên 160 quốc gia. Trung Quốc đang thúc đẩy các quốc gia khác áp dụng Nền tảng Cung ứng Vận tải Quốc gia, một hệ thống cung ứng quốc tế được thiết kế để tích hợp các thông tin đường bộ, đường biển, đường không, hàng hóa và bưu chính dưới sự kiểm soát của Bộ Giao thông Trung Quốc. Các ứng dụng do Trung Quốc viết cũng lan tỏa rất nhanh. Tiktok đã lan ra toàn cầu, Alibaba đang mở đường thâm nhập vào khu vực Đông Nam Á, và phần mềm WeChat của hãng Tencent đã gắn chặt với đời sống kỹ thuật số của Hoa kiều. Mô hình “chủ quyền” Internet của Trung Quốc, theo đó nhà nước có thể giới hạn và quản lý mạng Internet trong lãnh thổ quốc gia mình, đã tạo được ảnh hưởng với chính phủ nhiều quốc gia, từ Ai Cập đến Thái Lan.

Nhà nước Trung Quốc sở hữu một số công ty công nghệ nói trên. Số còn lại là các công ty tư nhân có trụ sở ở Trung Quốc nên rất dễ bị chính quyền Trung Quốc gây sức ép, kiểm duyệt và theo dõi. Vì Trung Quốc thiếu vắng một nền pháp trị cũng như báo chí tự do, nên không dễ gì có thể thu thập thông tin từ các hãng công nghệ này, hay buộc họ chịu trách nhiệm về những vi phạm đối với người sử dụng. Nói cách khác, các giá trị của chủ nghĩa toàn trị mang nhãn hiệu Bắc Kinh đã thẩm thấu vào toàn bộ lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Theo đường lối ngoại giao gọi là hai bên cùng thắng của Trung Quốc, các quốc gia tiếp nhận công nghệ Trung Quốc được nhận các hệ thống với cam kết về khả năng kiểm soát và tính hiệu quả. Đổi lại, Trung Quốc gặt hái được ảnh hưởng và dữ liệu.
 

Bên ít xấu hơn trong hai kẻ tồi tệ?

Hoa Kỳ đã có những nỗ lực đặt nền công nghệ của mình như một đối trọng tương phản với Trung Quốc, thể hiện sự ganh đua giữa hai bên như là giữa cái thiện với cái ác. Một ví dụ là chính quyền thời cựu Tổng thống Donald Trump đã tạo ra cái gọi là chương trình Mạng lưới Sạch, có vẻ như nhằm mục đích bảo vệ những người sử dụng ở Mỹ khỏi những cặp mắt soi mói của những “kẻ xấu,” chẳng hạn như nhà nước Trung Quốc. Chương trình này tìm cách nhận diện các ứng dụng “đáng ngờ” từ Trung Quốc và chuyển luồng các thông tin lưu thông trên mạng Internet hay kho lưu trữ dữ liệu tránh xa khỏi các nhà mạng, đường truyền và đám mây “đáng ngờ” của Trung Quốc. Đồng thời, các hãng công nghệ Mỹ tỏ vẻ là những người bảo vệ an ninh mạng và các giá trị dân chủ.

Tuy nhiên, đối với gần hết phần còn lại của thế giới, bức tranh này không khác mấy với hình ảnh hai kẻ xấu tranh giành nhau. Chính quyền Hoa Kỳ cũng tiến hành theo dõi người dân ở quy mô lớn; các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ cũng áp dụng các mô hình kinh doanh dựa trên kết quả theo dõi người sử dụng, khai thác dữ liệu của người dân nhân danh dịch vụ miễn phí; và “Nhóm Ngũ Nhãn,” một liên minh tình báo giữa Hoa Kỳ với Australia, Canada, New Zealand và Anh, đã tìm cách vô hiệu việc mã hóa thông tin trên mạng bằng cách gây sức ép với các công ty để họ trao cho chính quyền khả năng tiếp cận tất cả các giao tiếp trên mạng qua lối cửa sau. Trong cuộc đua toàn cầu thảm hại này về mức độ đen tối trong thế giới kỹ thuật số, người thất bại nặng nề nhất là những người sử dụng công nghệ bình thường trên toàn thế giới.

Sự ganh đua nói trên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không đơn thuần là cuộc đua về năng lực công nghệ theo như ý kiến của nhiều nhà phân tích, mà còn là trận chiến về giá trị. Một giải pháp dân chủ có tính thuyết phục khả dĩ thay thế cho mô hình của chính quyền Trung Quốc cần có các quy định buộc phát triển công nghệ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân quyền, bảo vệ quyền riêng tư, duy trì các lợi ích công cộng và tạo điều kiện cho người dân tham gia rộng rãi.
 

Gương mẫu để lãnh đạo

Washington có thể cung cấp một giải pháp thay thế thực sự đối với sự bành trướng của chủ nghĩa toàn trị bằng công nghệ của Trung Quốc, nhưng chỉ sau khi đã giải quyết ổn thỏa các vấn đề trong nước mình. Hoa Kỳ cần cải tổ bộ luật theo dõi an ninh quốc gia và quản lý được cách thức các công ty Hoa Kỳ thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu cá nhân. Chính quyền Washington cần bảo vệ tốt hơn dữ liệu sinh học – ví dụ như cần cân nhắc khả năng cấm các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng phần mềm nhận diện và quản lý chặt chẽ hoạt động thu thập các thông tin cá nhân nhạy cảm, trong đó có DNA, của các tập đoàn công nghệ của chính nước Mỹ. Chính quyền Hoa Kỳ cũng cần tìm cách để cho phép người dân định dạng và kiểm soát được việc sử dụng dữ liệu cá nhân của mình. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc gia tăng chế tài đối với các công ty có góp phần vào chương trình theo dõi quy mô đại chúng của Trung Quốc. Đạo luật Trừng phạt Toàn cầu Magnitsky, có nội dung cho phép chính quyền Hoa Kỳ trừng phạt các công ty vi phạm nhân quyền, có thể được vận dụng trong bối cảnh này và có thể góp phần làm chậm lại khả năng hiện thực hóa các tham vọng của Trung Quốc nhằm kiểm soát xã hội như trong tiểu thuyết George Orwell.

Nếu muốn thực hiện các giải pháp dài hạn đối với nan đề chủ nghĩa toàn trị bằng công nghệ, chính quyền Washington không thể hành xử đơn độc. Hoa Kỳ cần hợp tác với các quốc gia có quan điểm tương đồng trong nhiều cơ quan quản lý tiêu chuẩn công nghệ, ví dụ như Liên đoàn Viễn thông Quốc tế, là định chế đặt ra các tiêu chuẩn cho mạng 5G. Các quốc gia nêu trên, cũng như các quốc gia khác muốn tham gia các sáng kiến mới nhằm thành lập các liên minh công nghệ dân chủ, cần phản đối những ý định quản lý dựa trên các lập luận mơ hồ về “đạo đức.” Ví dụ như, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã ban hành bộ nguyên tắc mơ hồ về hướng dẫn sử dụng trí tuệ nhân tạo, như “tự trị,” “đa dạng” và “công bằng.” Thay vào đó, Hoa Kỳ và các quốc gia cùng quan điểm cần thúc đẩy các biện pháp quản lý và quy định có tính ràng buộc pháp lý khiến các hãng công nghệ phải chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn nhân quyền, như nghĩa vụ thẩm định chuyên sâu mang tính bắt buộc.

Washington nên hợp tác với các đồng minh để đảm bảo cho người dân ở Trung Quốc cũng như trên khắp thế giới được tiếp cận mạng Internet mà không bị kiểm duyệt hay theo dõi – một lựa chọn thay thế cho sáng kiến Con đường Tơ lụa Kỹ thuật Số của Trung Quốc. Một lựa chọn dân chủ thay thế cho mạng 5G Huawei không nên là bất cứ một công ty 5G nào ở một quốc gia dân chủ bất kỳ mà phải là một công ty tự thân đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân quyền.

Washington và các đồng minh nên đặt ra các tham vọng tích cực về cách thức vận dụng công nghệ để tăng cường dân chủ. Đơn cử như, họ có thể đầu tư để phát triển các quảng trường kỹ thuật số công cộng – các diễn đàn để công chúng có thể giao tiếp và hợp tác với nhau, nằm ngoài các nền tảng mạng xã hội của các tập đoàn công nghệ lớn, vì các nền tảng đó thường gây chia rẽ và cho phép lưu thông các thông tin sai với mục đích kiếm lời. Hoa Kỳ có thể theo gương Đài LoanBarcelona, nơi công nghệ đang tăng cường sự tham gia của người dân và nền quản trị dân chủ, và có thể giúp xây dựng một hệ thống chính trị-công nghệ thực sự dân chủ.

Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể định hình tương lai. Nếu thực sự nghiêm túc trong việc bảo vệ quyền riêng tư và thúc đẩy nhân quyền, chính quyền Washington cần bứt phá lên trước Trung Quốc bằng cách bảo đảm các tiêu chuẩn đó cho tất cả những người sử dụng công nghệ Hoa Kỳ, ở trong nước cũng như trên khắp thế giới.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country