Skip to main content

Nhật Bản: Hãy đề cao nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam và Indonesia

Thủ tướng Suga nên vận dụng vị thế thuận lợi để vận động cải cách

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu ở một cuộc họp báo tại nơi ở chính thức của thủ tướng vào thứ Tư, ngày 16 tháng 9 năm 2020, Tokyo, Nhật Bản. © Carl Court/Pool Photo via AP

(Tokyo) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng tân Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihide Suga cần gây sức ép với chính phủ hai nước Việt NamIndonesia để cải thiện hồ sơ nhân quyền đang xuống dốc của họ trong chuyến thăm hai quốc gia này. Ông Suga sẽ tới thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách thủ tướng, dự kiến từ ngày 18 đến 21 tháng Mười năm 2020.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trong một văn thư ngày 16 tháng Mười, đã kêu gọi ông Suga nêu quan ngại về tình trạng vi phạm các quyền dân sự và chính trị lan rộng khắp Việt Nam, trong đó có quyền tự do biểu đạt, nhóm họp ôn hòa và tự do đi lại, vào các dịp công khai cũng như riêng tư. Ông cũng nên phê phán Indonesia về việc đàn áp quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, quyền lựa chọn xu hướng tính dục và bản dạng giới, và quyền của người bản địa.

“Nhật Bản cần sử dụng đòn bẩy đáng kể với vị thế là nhà tài trợ lớn cho chính phủ Việt Nam và Indonesia để gây sức ép với cả hai quốc gia này nhằm chấm dứt vi phạm nhân quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Thủ tướng Suga, trong các dịp công khai cũng như riêng tư, cần thể hiện rằng Nhật Bản rất nghiêm túc về các tuyên bố liên quan tới chính sách thúc đẩy nhân quyền trên thế giới.”

Những người lên tiếng phê phán chính phủ hay đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam trở thành mục tiêu bị công an sách nhiễu, cản trở đi lại, hành hung thân thể, câu lưu, bắt giữ tùy tiện, và bỏ tù. Công an thường xuyên giam giữ các nhà hoạt động chính trị hàng tháng trời mà không cho tiếp xúc với luật sư và thẩm vấn họ thô bạo. Nhà cầm quyền Việt Nam cũng chặn đường truy cập tới các trang mạng và các trang truyền thông xã hội độc lập về chính trị, đồng thời ép buộc các công ty viễn thông và truyền thông xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị cho là có tính phê phán chính phủ hoặc đảng cầm quyền.

Các vi phạm nhân quyền ở Indonesia dưới thời của Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo bao gồm tình trạng gia tăng xâm phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Trong năm 2020, có ít nhất 38 người bị bắt về tội phỉ báng, trong đó có trường hợp một người bị kết án ba năm tù vì xé quyển kinh Quran trong một nhà thờ Hồi giáo.

“Thủ tướng Suga nên đặt nhân quyền làm nền tảng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản theo cách mà các vị tiền nhiệm chưa từng làm được,” ông Robertson nói. “Chuyến công du ngoại giao đầu tiên của Suga trong vai trò người đứng đầu chính phủ Nhật Bản là một cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy lãnh đạo hai nước Việt Nam và Indonesia chấm dứt vi phạm và bảo đảm nhân quyền cho người dân hai nước này.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country