Skip to main content

Ông Biden nên gây sức ép về quyền của các nhà hoạt động khí hậu ở Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia thụ hưởng 15,5 tỷ USD từ chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, nhưng lại ngang nhiên bỏ tù các nhà hoạt động vì môi trường xanh

Published in: Asia Times
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đứng, dự bữa tiệc trưa cấp nhà nước do Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, ngồi giữa bên phải, tiếp đón tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 11 tháng Chín năm 2023.      © 2023 Nhac Nguyen/AP Photo

Ai cũng biết Hoa Kỳ và Việt Nam có một lịch sử đối đầu căng thẳng. Nhưng từ khi tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, hai quốc gia đã dần phát triển quan hệ ngày một chặt chẽ với các trọng tâm là phát triển kinh tế và thương mại, địa chính trị khu vực, và gần đây nhất là giải pháp cho biết đổi khí hậu.

Tháng Mười hai năm ngoái, các quốc gia G7 trong đó có Hoa Kỳ, cùng với Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng đầu tư phát triển khác, tuyên bố rằng Việt Nam sẽ là nước thụ hưởng chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng trị giá 15 tỷ rưỡi USD (JETP) để tăng tốc tiến trình ngừng sử dụng than đá làm nguồn năng lượng trong nước.

Nhưng các nhà hoạt động xã hội dân sự, những người đang vận động cho cải cách, đa nguyên chính trị và chính sách môi trường và phát triển bền vững, tôn trọng quyền con người đã bị gạt thẳng tay ra ngoài lề thỏa thuận này.

Vào ngày mồng 10 tháng Chín, tổng thống Joe Biden sẽ tới thăm Việt Nam để tuyên bố hai quốc gia sẽ nâng cấp quan hệ từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược.”

Trong một cuộc điện đàm mới đây giữa ông Biden và tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai nhà lãnh đạo nói về việc “mở rộng quan hệ song phương, đồng thời hợp tác hướng tới giải quyết các thách thức trong khu vực như thay đổi khí hậu, duy trì cho Châu Á- Thái Bình Dương là một khu vực tự do và mở cửa, và tình trạng an ninh và môi trường dọc sông Mê Kông đang xấu đi.”

Nhưng có gì đó lấn cấn thấy rõ. Mặc dù Việt Nam đã cam kết đưa mức khí thải về số không vào năm 2050, chính quyền nước này vẫn đang dùng các cáo buộc “trốn thuế” ngụy tạo với động cơ chính trị để bắt giữ, truy tố và bỏ tù các nhà lãnh đạo xã hội dân sự quan trọng nhất đối với quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng từ than đá của quốc gia này.

Ông Đặng Đình Bách, người đã dành cả đời bảo vệ các cộng đồng dân cư khỏi ô nhiễm, loại bỏ dần rác thải nhựa và ủng hộ chính phủ Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch đang thụ án năm năm tù. Hai nhà hoạt động về biến đổi khí hậu khác là Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương cũng đang ngồi tù sau khi bị kết án với cáo buộc tương tự.

Một quán quân khí hậu khác nữa, Hoàng Thị Minh Hồng, một Học giả Quỹ Obama và là một trong 50 phụ nữ có nhiều ảnh hưởng nhất Việt Nam, theo đánh giá của Forbes Vietnam, đang chờ ngày kết án. Trang Các Anh hùng Khí hậu xếp bà Hồng là một người anh hùng làm việc không mệt mỏi để bảo vệ môi trường.

Khôi nguyên Giải thưởng Môi trường Goldman Environment 2018, bà Ngụy Thị Khanh, người đã lên tiếng phản đối chính sách phụ thuộc vào nguồn than đá của Việt Nam, mới được phóng thích sau khi thụ án 16 tháng tù.

Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng về việc Việt Nam sử dụng các điều luật mơ hồ về thuế làm vũ khí buộc các nhà bảo vệ môi trường phải im tiếng. Xu hướng này có nghĩa là bước tiếp theo có thể là chính quyền buộc các tổ chức đấu tranh cho môi trường còn lại phải đóng cửa.

Chính quyền Việt Nam đang phá đi tính “công bằng” nói trên trong chương trình Chuyển đổi Năng lượng Công bằng qua việc hạn chế ngặt nghèo khả năng tham gia vào quá trình đó của các tổ chức dân sự và các nhà hoạt động.

Nói thẳng thừng ra thì các tổ chức môi trường hiện đang gần như đóng băng vì sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo của đợt bắt giữ các nhà hoạt động khí hậu hàng đầu.

Việt Nam không thể đảm bảo một quá trình chuyển đổi năng lượng thực sự “công bằng” nếu không lắng nghe và hồi đáp quan điểm của các nhà hoạt động môi trường, nhất là những người có tiếng nói phê phán chính sách hiện tại.

Xã hội dân sự là nhân tố thiết yếu để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của các chương trình như vậy, qua việc giám sát độc lập về tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng nhìn từ quan điểm xã hội và môi trường cũng như hỗ trợ các cộng đồng địa phương muốn bảo vệ quyền lợi của mình.

Chính sách đàn áp của chính quyền Việt Nam không thể hiện dấu hiệu tích cực cho việc thực thi hữu hiệu chương trình JETP hay quan hệ lâu dài giữa Hoa Kỳ với Việt Nam.

Tổng thống Biden cần lên tiếng về vai trò cốt tử của các nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam trong quá trình loại bỏ than đá. Ông cũng cần công khai gây sức ép với chính quyền Việt Nam về việc phóng thích các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu đang phải thi hành án tù, và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với những người đang chờ xét xử.

Thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác để đạt được các giải pháp về khí hậu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là việc vô cùng giá trị, nhưng đừng nên làm trong khi các nhà hoạt động xã hội dân sự - những người góp phần dẫn đường tiên phong – vẫn đang bị giam cầm sau song sắt nhà tù.

Việc nâng cấp quan hệ giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam cần phải xét đến tất cả các yếu tố nêu trên và chấm dứt tình trạng ỉm đi các quan ngại về nhân quyền.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country