Skip to main content

Giải Báo chí Nhân quyền châu Á có thêm đối tác, hạng mục mới

Các Câu lạc bộ Báo chí Thái Lan và Đài Loan tham gia với Đại học Bang Arizona và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đồng bảo trợ cho giải

(Bangkok) – Hôm nay, các tổ chức hữu quan công bố tin hai Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài của Thái Lan và Đài Loan sẽ tham gia cùng với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Trường Báo chí và Truyền thông Đại chúng Walter Cronkite thuộc Đại học Tổng hợp Bang Arizona đồng quản trị Giải Báo chí Nhân quyền ở châu Á. Giải thưởng nói trên cũng sẽ có thêm một hạng mục mới để ghi nhận hoạt động báo chí xuất sắc nhất của những “Tòa soạn Lưu vong.”

Việc mở rộng thành phần đối tác và hạng mục xét giải mới phản ánh một thực trạng mới và những thách thức đang gia tăng đối với hoạt động báo chí về nhân quyền ở châu Á, nơi ngày càng nhiều nhà báo không thể tác nghiệp an toàn trên đất nước mình.

“Chúng tôi tạo thêm hạng mục xét giải ‘Tòa soạn Lưu vong’ để vinh danh rất nhiều nhà báo dũng cảm vẫn tiếp tục đưa tin về nhân quyền ở đất nước mình từ nước ngoài, do không thể an toàn tác nghiệp ở trong nước,”  bà Tirana Hassan, Giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Vai trò của họ đối với mục tiêu phơi bày sự thật đang trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết.”

Giải Báo chí Nhân quyền đã có lịch sử lâu dài và đặc biệt, vinh danh các tác phẩm báo chí xuất sắc về các vấn đề nhân quyền ở Châu Á. Trước đây, giải do Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài ở Hồng Kông quản trị. Nhưng sau khi chính quyền Trung Quốc áp đặt bộ luật an ninh ở Hồng Kông từ tháng Sáu năm 2020, dẫn tới việc ít nhất chín kênh truyền thông bị đóng cửa, việc xét giải bị gián đoạn.

Năm 2022, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và trường Đại học Tổng hợp Bang Arizona tiếp nhận trách nhiệm quản trị giải, và Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài Đài Loan (TFCC) và Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài Thái Lan (FCCT) đã cùng tham gia quá trình xét và trao giải năm 2023.

“Việc mở rộng thành phần đối tác đã giúp chúng tôi tiến xa hơn trên con đường đưa Giải Báo chí Nhân quyền trở thành một danh hiệu đặc biệt về hoạt động báo chí nhân quyền xuất sắc trên toàn thế giới,” T.s Battinto L. Batts Jr. Hiệu trưởng trường Báo chí Cronkite phát biểu. “Trường Báo chí Cronkite rất vinh dự được góp phần then chốt vào nỗ lực quan trọng này.”

Giải Báo chí Nhân quyền hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức tôn trọng các quyền con người cơ bản và tập trung sự chú ý vào những mối nguy đối với các quyền cơ bản đó. Hàng năm giải nhận được hàng trăm đơn đề cử và ứng cử từ khắp châu Á. Trong những năm trước, có tới 16 hạng mục. Tuy nhiên, đối với giải năm 2024, ban quản trị đã quyết định hợp nhất các hạng mục để trao tổng số bảy giải, bao gồm cả hạng mục “Tòa soạn Lưu vong” mới.

Trong số những người từng được trao giải này có nhà báo khôi nguyên giải Nobel người Philippine, Maria Ressa, và nhiếp ảnh gia báo chí Marcus Yam gốc Malaysia của tờ Thời báo Los Angeles, khôi nguyên giải Pulitzer về các bức ảnh thời sự giờ chót.

“Thái Lan là tiền tuyến của các nhà báo Miến Điện dũng cảm bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương để tránh bàn tay đàn áp của chính quyền quân sự Miến Điện từ sau cuộc đảo chính vào tháng Hai năm 2021, nên việc Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài Thái Lan tham gia vinh danh những việc làm lớn lao của họ qua giải thưởng này là điều hoàn toàn hợp lý,” bà Lisa Martin, Chủ tịch FCCT nói. “Là câu lạc bộ báo chí có lịch sử hoạt động lâu đời nhất ở Đông Nam Á, FCCT tự hào được tham gia vào liên minh quan trọng này để vinh danh các nhà báo trên khắp Á châu, những người đã phải chịu những rủi ro không kể xiết để đưa tin về các câu chuyện nhân quyền quan trọng.”

Cả hai Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài đã trở thành ngôi nhà cho ngày càng nhiều các nhà báo lưu vong. “Đài Loan đã phát triển thành một trung tâm quan trọng dành cho các nhà báo đưa tin về thế giới nói tiếng Hoa và khu vực Đông Á. Vì sự tự do, an toàn, và nhờ vị trí thuận lợi của mình, Đài Loan đã cung cấp nơi trú ẩn cho nhiều phóng viên Trung Quốc và những phóng viên đưa tin về các khu vực khác của châu Á,” ông Thompson Chau, Chủ tịch TFCC nói. “Chúng tôi tự hào được tham gia cùng với các đối tác đáng kính để quản trị Giải Báo chí Nhân quyền năm 2023. Hạng mục mới – “Tòa soạn Lưu vong” – nói lên nhiều điều về hiện trạng của báo chí ở châu Á, khi nhiều nhà báo và kênh truyền thông chuyên về Trung Quốc, Hồng Kông, Miến Điện và nhiều nước khác bị buộc phải tác nghiệp từ nước ngoài.”

Danh sách khôi nguyên nhận giải năm 2024 sẽ công bố vào ngày mồng 3 tháng Năm năm 2024, đúng Ngày Tự do Báo chí Thế giới.

Đơn đề cử và ứng cử có thể nộp qua mạng theo địa chỉ: https://cronkite.submittable.com/submit/281186/human-rights-press-awards-2024.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country